Các công trình, di tích và địa danh nổi tiếng Đảo Hà Nam

Đảo Hà Nam còn lưu giữ được tới 130 di tích lịch sử, văn hóa như đình chùa, đền, miếu, nhà thờ tổ các dòng họ, trong đó có 30 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; 21 nhà thờ được cấp bằng di tích quốc gia.[47][48]

Khu vực Nam Hòa

Các bãi cọc Bạch Đằng: Phía Bắc của đào Hà Nam là di tích bãi cọc Bạch Đằng năm 1288, quân dân nhà Trần chống Mông Nguyên.[49] Bao gồm bãi cọc Yên Giang được khai quật lần đầu năm 1958, cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 - 2,8 m, đường kính 20 – 30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5 - 1m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình 1 m. Đồng Vạn Muối được phát hiện năm 2005, những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7 – 10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25 – 30 cm. Mật độ cọc ở đây rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 – 60 cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10 – 30 cm. Đồng Má Ngựa được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010. Bãi cọc có chiều dài 70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6 – 22 cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành.[50]

Đình Hưng Học[51] được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XVII, ở vị trí gần chùa Hưng Học, đến năm 1841 mới chuyển đến vị trí hiện nay. Năm 1875 được xây dựng với quy mô lớn. Năm 1935 được trùng tu to lớn như ngày nay. Trong đình thờ hai vị thành hoàng là Đức Huyền Quang Lý Đạo Tái, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm và Đông hải bản thổ Vũ Hoàng Đào làm thành hoàng làng trừ ôn dịch giúp dân Hưng Học. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: 6 đạo sắc phong, câu đối.. Năm 2012 được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhân nhận là di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình có lễ hội vào 12 đến 15 tháng giêng hàng năm.

Đình Đồng Cốc[52] Đình Đồng Cốc nằm sát Đền Trung Cốc và khu vực Đồng Vạn Muối thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Xưa kia khu Đồng Cốc được dân làng  xã Phong Lưu (xưa) lên khai khẩn lập làng. Khoảng năm 1807 Đình Đồng Cốc được xây dựng thờ Trần Hưng Đạo và Tướng quân Phạm Ngũ Lão làm thành hoàng làng. Năm 1955 do có trận hồng thủy làm cuốn đi mọi đồ thờ của đình, sau đó dân làng xây dựng lại và thờ thêm tướng quân Trần Huệ làm thành hoàng cho đến ngày nay. Đình có hội vào ngày 20 tháng giêng.

Chùa Giữa Đồng nằm ở nằm ở phường Nam Hòa, được xây dựng giữa một cánh đồng khoảng năm 1797 có tên là chùa Giữ Đồng, sau này đổi tên thành chùa Giữa Đồng. Ngày lễ hội chính là mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.[53]

Chùa Hưng Linh được xây dựng vào thời Lê (khoảng năm 1590) thuộc địa phận thôn Hưng Học - Nam Hòa, thờ Huyền Quang Tổ Sư vốn là đệ tam tổ Trúc Lâm Yên Tử. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng, chuông đồng và đồ thờ có giá trị.[54]

Chùa Trà Linh Tự hay còn gọi là Chùa Chè được xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 17, được trùng tu tôn tạo năm 2014. Hiện, Trà Linh Tự còn lưu giữ một quả chuông đồng năm Vĩnh Hựu thứ 2 triều Lê (1736) và 19 pho tượng, cùng nhiều hoành phi, câu đối và các đồ thờ tự có giá trị khác.[55]

Đền Trung Cốc[56][57] thuộc Nam Hòa. Tương truyền để chuẩn bị cho xây dựng bãi cọc đồng Vạn Muối, đại vương Trần Hưng Đạo và danh tường Phạm Ngũ Lão đã bị mắc cạn thuyền ở gò đất thôn Đông Cốc, phải huy động dân binh, thuyền chài tới kéo thuyền ra. Dân địa phương đã lập đền để phụng thờ hai ông tại khu vực ấy. Ban đầu đền được xây dựng bằng tranh tre, đến năm Gia Long thứ 6 (1807) xây dựng lại như ngày nay. Trong đền có hai pho tượng Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, một số sắc phong và đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao. Lễ hội đền Trung Cốc diễn ra vào ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đền được xếp hạng đi di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Khu vực Yên Hải

Di tích Hồ Mạch[58] gắn với thời kỳ lập đảo. Dân địa phương lưu truyền câu chuyện các vị tiên công khi đến khu vực Hà Nam khi ấy, trong một đêm mưa đã nghe thấy tiếng ếch kêu giữa vùng sú vẹt, nhận thấy có thể có nguồn nước ngọt, họ đã tìm kiếm và phát hiện một mạch nước nhỏ, chảy mãi không cạn nên đã quyết định lưu lại mở mang vùng đất. Mạch nước ấy được khai đào thành hồ lấy nước ngọt phục vụ cuộc sống, trở thành Hồ Mạch. Ngày nay di tích Hồ Mạch thuộc Yên Đông, diện tích còn khoảng 5 sào bắc bộ.[59]

Chùa Pháp Âm hay còn gọi là chùa Yên Đông  thuộc địa phận Yên Đông - Yên Hải, được xây dựng khoảng năm 1470, đến nay đã được nhiều lần trùng tu. Trong chùa hiện còn lưu giữa hàng trăm hiện vật là đồ thờ, tượng phật, bia đá là những cổ vật và tư liệu lịch sử có giá trị. Năm 2000, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.[60]

Đình Hải Yến[61] Thuộc Yên Hải, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Đình thờ thần Phạm Tử Nghi và phối thờ các vị Tiên Công của các dòng họ đã có công lập làng Hải Yến. Trong đình còn lưu giữ một bia đá và 6 đạo sắc phong cổ và nhiều cấu đối, đại tự có giá trị. Đình được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2003.

Đình Yên Đông[62] được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XV thờ Thần Nông và Nguyễn Đăng Minh (1623-1696 - Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) thời Lê Chân Tông) làm thành hoàng. Ban đầu đình có quy mô nhỏ, đến năm 1814 được xây dựng lại với quy mô lớn nhất vùng. Năm 1972 cột đình bị cháy, đình hư hỏng nặng phải tháo dỡ. Năm 2000 nhân dân làng Yên Đông cho xây lại ngôi đình mới trên vị ngôi đình cũ, với quy mô nhỏ hơn. Trong đình hiện còn lưu giữ sắc phong cho Thành hoàng Nguyễn Đăng Minh, bia đá, cùng nhiều đồ thờ có giá trị.

Khu vực Cẩm La

Miếu Tiên Công là nơi phụng thờ 19 cụ tiên công đầu tiên đến lập đảo. Căn cứ vào một số cột, vì kèo và mấy thanh nóc xà cũ, người ta phán đoán niên đại gần nhất của ngôi đền vào năm Gia Long thứ ba đời Nguyễn (1804). Trên câu đầu nhà thờ tổ có ghi niên đại xây dựng “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thượng trụ thượng lượng”. Tuy miếu Tiên Công không thể hiện nhiều những giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, nhưng lại là nơi có giá trị lịch sử khi lưu giữ khá nhiều hiện vật và đồ tự có giá trị. Hiện nơi đây còn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định ngày 25/7/1924. Sắc phong có nội dung: “ Sắc cho bốn xã Phong Cốc, An Đông, Cẩm La, Trung Bản, tổng Hà Nam, thị xã Quảng Yên thờ phụng các bậc tiên tổ có công khai canh, lập ấp. Ngoài ra còn có mâm truyền tự bằng gỗ làm vào tháng 5/1937. Ngày 20 tháng 2 năm 2018, lễ hội Miếu Tiên Công đã được chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.[63] Trong miếu tiên công có câu đối ca ngợi công lao:

Năng lực kiên cường phụ đê ngự thuỷ khẩn hoang dương danh kim cổ (能力堅強埠堤御水懇荒揚名今古)Kỳ công vĩ đại tang hải thành điền canh tác kiến nghiệp tử tôn (奇功偉大桑海成田耕作建業子孫)

Có nghĩa là: Năng lực kiên cường đắp đê ngăn nước khai hoang mở đất nổi danh kim cổ, Kỳ công vĩ đại thay chua rửa mặn canh tác cấy trồng khởi nghiệp cháu con.[14][64]

Miếu Đò Lá[65] thuộc Cẩm La. Theo tục thờ thần biển của người dân trên đảo Hà Nam, ngoài ra trong miếu còn phối thờ Hội đồng Trần Triều và đức thánh Trần Hưng Đạo. Tương truyền rằng xưa kia cạnh miếu có bến đò chở khách qua sông Chanh. Khu vực này thường có người chết đuốc trôi dạt vào. Dân khu Cẩm La và Phong Cốc lập miếu thờ Thủy Cung Thánh Mẫu nhằm cầu mong phù hộ cho nhưng người dân qua sông an toàn và phù hộ cho những linh hồn chết đuối được siêu thoát.

Chùa La[66] hay Tam Thánh Tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI tại khu vực Thầu Đâu, xã Cẩm La. Hiện chùa còn lưu giữ 26 pho tượng phật, một chuông đồng cổ và nhiều đồ thờ có giá trị. Chùa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Khu vực Phong Cốc

Đình Cốc[67] là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhất ở Hà Nam, đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 22-3-1988, được trùng tu tôn tạo vào năm 2012.[68] Đây là địa điểm trung tâm của lễ hội xuống đồng.[69]

Miếu Cốc[70] được xây dựng vào khoảng năm 1800, thuộc xóm Miếu, Phong Cốc. Miếu Cốc là nơi thờ “Tứ vị Thánh nương” làm Thành Hoàng, có lễ vào 10 tháng giêng.

Khu vực Phong Hải

Đình Trung Bản tại Trung Bản, Phong Hải; tương truyền khi Quốc Công Tiết Chế, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi khảo sát trận địa Bạch Đằng, trận 1288, đảo Hà Nam khi ấy mới chỉ là các bãi bổi cửa sông, ngài đi đến đây thì tóc bị xõa, ngài đã chống kiếm xuống để buộc tóc. Sau này dân chúng lập nơi thờ.[71]

Chùa Cốc hay còn gọi chùa Phong Quang có lịch sử lâu đời nhưng đã bị hủy hoại không còn, mãi đến 2008 mới được xây dựng lại, có hội ngày 8 tháng giêng.

Đền thờ liệt sĩ Minh Hà nằm tại Cống Mương, Phong Hải. Liệt sĩ Minh Hà là bí danh của đồng chí Đỗ Thị Sinh (1925-1947) quê gốc ở Thạch Thất, Hà Tây cũ, có thời kỳ tham gia hoạt động cách mạng ở huyện Yên Hưng cũ (nay là thị xã Quảng Yên). Chi bộ đảng đầu tiên ở Hà Nam do đồng chí Minh Hà là người đã thành lập và đảm nhiệm vị trí bí thư. Ngày 12 tháng 7 năm 1947, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và tra tấn đến chết vào 14/7, xác liệt sĩ bị đem thả trôi sông. Hai ngày sau đó, dân địa phương vớt được thi thể. Tại địa điểm ấy, dân địa phương lập miếu thờ.[72] Năm 2005 liệt sỹ Minh Hà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.[18]

Khu vực Liên Hòa

Chùa Quỳnh Biểu[73] thuộc Liên Hòa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Hiện nay trong chùa có 9 pho tượng Phật, 1 pho tượng Đức Ông, 1 pho tượng Đường Tăng, 2 pho tượng Hộ pháp và 3 pho tượng Mẫu.

Đình Lưu Khê[74] thuộc Liên Hòa, được xây dựng vào khoảng năm 1822, là một ngôi đình cổ, lớn, kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách đình làng Việt Nam thế kỷ XVIII và XIX. Trong đình thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo làm thành hoàng làng và phối thờ hưởng hai tiên công Đỗ Độ và Đào Bá Lệ có công quai đê lấn biển lập làng. Đình được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995.

Di tích miếu Phạm Tử Nghi[75] tại Cống Lưu Khê, Liên Hòa, là di tích lịch sử thờ đức thánh Phạm Tử Nghi, một vị tướng có công đánh giặc ngoại xâm phương bắc, thế kỷ XVI. Hàng năm vào ngày 13 và 14 tháng 9 âm lịch có tổ chức ngày giỗ ông.

Khu vực Liên Vị

Chùa Rui[76] thuộc xã Liên Vị. Chùa Rui tên chữ là Linh Quang Tự, được xây dựng vào năm 1470. Năm 1954, ngôi chùa bị sập đổ do vỡ đê và lụt lớn. Năm 1987, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa chính, năm 1995 dựng lại nhà Tổ. Hiện nay chùa Rui còn lưu giữ 26 pho tượng, 11 tấm bia đá, một cây hương đá, một quả chuông đồng đúc năm 1706 cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị khác.[77]

Hệ thống nhà thờ họ, từ đường

Hệ thống nhà thờ họ, từ đường của các dòng họ trên đảo Hà Nam,theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1600 đến 1650, sớm hơn cả các đình làng. Các công trình này được xét là di tích lưu niệm danh nhân mở đất khu đảo và hầu hết được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 51/2001/QĐ-BVHTT ngày 27-12-2001. Duy chỉ có từ đường họ Phạm (thờ Tiên công Phạm Nhữ Lãm) tại làng Hải Yến, phường Yên Hải được xét công nhận vào năm 2004 và từ đường họ Phạm ở thôn Vị Khê, xã Liên Vị (thờ Tiên công Phạm Thanh Lảnh) được công nhận muộn nhất vào dịp giữa 2012.[78]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đảo Hà Nam http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DEN-TRUNG-COC-a... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/MIEU-TIEN-CONG-... http://www.vietnamtourism.com/index.php/tourism/it... http://queviet.eu/dat-nuoc-con-nguoi/phong-tuc-le-... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://anninhthudo.vn/phong-su/chuyen-xua-ke-duoi-... http://www.baogiaothong.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-... http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/doc-dao-le-ho... http://cafef.vn/hop-long-cau-bach-dang-danh-thuc-n... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Dieu-chinh-quy-hoach-...